Nợ Chính phủ vượt trần có giảm được không?
Nợ Chính phủ vượt trần có giảm được không? Đây là câu hỏi được đại biểu Bùi Đức Thụ nêu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 24/3.
Đại biểu Bùi Đức Thụ phát biểu tại phiên thảo luận tổ, sáng 24/3.
Nợ Chính phủ vượt trần có giảm được không? Đây là câu hỏi được đại biểu Bùi Đức Thụ nêu tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 24/3.
Ngân sách căng thẳng và nợ công tăng vùn vụt cũng nằm trong nỗi lo của nhiều vị khác.
Nợ lớn, dân lo
Là uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Thụ đề cập nhiều đến ngân sách, nợ công.
“Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiều lần nói, điều hành ngân sách như đi trên dây, tôi rất thấm thía điều này”, ông Thụ nói.
Nhấn mạnh là cân đối ngân sách hết sức khó khăn, đại biểu Thụ nêu con số bội chi năm 2015 đã lên tới 6,11% GDP, vượt mức Quốc hội cho phép đã kéo theo nợ công tăng nhanh và nợ Chính phủ đã vượt trần.
Ông Thụ cho rằng, hơn lúc nào hết 2016 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ 5 năm tới, phải thực hiện chính sách tài khoá chặt chẽ, hiệu quả, cơ cấu lại chi ngân sách trên tinh thần triệt để tiết kiệm.
Theo đại biểu Thụ với nợ công thì phải giảm theo hướng bố trí thoả đáng trả nợ gốc, còn nếu chi đảo nợ tăng thì nợ công vẫn tăng vòn vọt không có ý nghĩa gì cả.
Nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 86 ngàn tỷ và nợ ứng trước nguồn ngân sách nhà nước 84 ngàn tỷ, nếu quản lý lỏng thì an ninh tài chinh bị đe doạ, đại biểu Thụ cảnh báo.
Tại đoàn Tp.HCM, một số vị cũng lo ngại trước tìnt trạng căng thẳng của túi tiền quốc gia.
Đại biể Trần Hoàng Ngân băn khoăn, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài tuy vẫn nằm trong giới hạn nhưng con số tuyệt đối là rất đáng ngại. Nợ nước ngoài đã trên 80 tỷ USD, rất lớn, ông Ngân nhấn mạnh.
Phải quản lý chặt chẽ về đầu tư ODA, đầu tư công để giảm nợ công, kiềm chế nợ nước ngoài, ông Ngân đề nghị.
Thành tựu mà báo cáo nêu nếu đúng thì như ý kiến đại biểu nói “thế thì hồng phúc cho dân quá”. Nhưng thực sự, dân đang lo nợ nước ngoài khoảng 80 tỷ USD, bội chi cao, chi thường xuyên tới 4.000 tỷ đồng/năm, đại biểu Đỗ Văn Đương bình luận.
Ở góc nhìn khác, đại biểu Võ Thị Dung cho rằng, báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ đề cập chưa sâu sắc vấn đề khoảng cách giàu nghèo, phòng chống tham nhũng.
“Đặc biệt, cần nói rõ hơn về thách thức đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, từ đó có chiến lược phát triển kinh tế biển đảo gắn với bảo vệ chủ quyền”, đại biểu Dung đề nghị
5 năm tới làm gì?
Bên cạnh báo cáo hàng năm, các vị đại biểu Quốc hội cũng cho ý kiến về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) thử thách trong 5 năm tới là phải tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp một cách căn bản để thay đổi tình hình. Bởi nông nghiệp hiện nay đang có nhiều rủi ro với biến đổi khí hậu bên cạnh rủi ro về thị trường, đó là thách thức kép, liệu chúng ta có vượt qua được không? đại biểu Lịch lo ngại.
Thách thức lớn thứ hai được ông Lịch đề cập là có tận dụng được ơ hội từ hội nhập quốc tế hay không. Bởi với bất ổn lớn trong 5 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với hai tốc độ khác nhau giữa khu vực có vốn tư có vốn nước ngoài-FDI và trong nước.
Theo ông, nếu không giải quyết được mâu thuẫn này thì nền kinh tế bất ổn, bởi dù có hội nhập thế nào đi nữa thì nội lực vẫn phải là quyết định. Không một nền kinh tế nào vững mạnh nếu chỉ nhờ vào FDI. “Chúng ta đang có nguy cơ mất phân phối nội địa. Ai nắm phân phối, người đó chi phối sản xuất. Các doanh nghiệp phân phối trong nước đang phải rất chạy đua giành giật”, đại biểu Lịch nêu.
Vẫn theo đại biểu Lịch, thách thức thứ ba là cải cách thể chế. Các đối tác đưa ra rất nhiều cơ hội nhưng bao giờ cũng kèm theo điều kiện về cải cách thể chế.
Ông cho rằng Việt Nam đã nỗ lực cải cách thể chế, nhưng hiện nay có hai khâu yếu là cải cách nền hành chính chưa hiệu quả, áp lực nợ công quá lớn, một phần do cơ chế về đầu tư công dẫn đến cơ chế xin - cho.
Về mục tiêu 5 năm tới, đại biểu Trần Du Lịch phân tích, nếu muốn rút ngắn khoảng cách với các nước thì phải tính toán mục tiêu công nghiệp hóa, tính lại nguồn lực để có thể đạt tới mức tăng GDP phù hợp, bảo đảm sau 10 năm, GDP tuyệt đối phải tăng gấp đôi.
“Nhà nước phải là bà đỡ thực sự, không thể khoán trắng cho doanh nghiệp được. Muốn doanh nghiệp cạnh tranh thành công thì đầu tiên phải cạnh tranh quốc gia, và đó là vấn đề của Nhà nước. Cùng với đó, giải bài toán cải cách các ngân hàng hiệu quả, nếu không chúng ta sẽ tiếp tục tích tụ khó khăn”, ông Lịch nhấn mạnh.
Một số vị đại biểu khác cho rằng, bên cạnh tài chính vấn đề của 5 năm tới còn phụ thuộc vào con người, nhất là nhân sự cấp bộ trưởng. Bởi nếu vẫn cơ chế “hoà cả làng”, người không tích cực cũng được cất nhắc đề bạt thì khó có thể tạo ra đột phá gì.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh - người được cả đại biểu và báo chí mong chờ phát biểu - cũng tham dự họp tổ.
Tuy nhiên, tận cuối phiên thảo luận, ông chỉ nói ngắn gọn rằng kế hoạch 5 năm tới đã được chuẩn bị rất công phu, trước khi trình Đại hội Đảng 12 thì Trung ương và Bộ Chính trị cũng đều đã xem xét rất kỹ và xin ý kiến nhiều cấp, nhiều ngành.
Mục tiêu đã được cả Đảng và Nhà nước thống nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, ông Vinh nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, quan trọng nhất làm sao để thưc hiên được những nhiệm vụ, giải pháp đã nêu tại báo cáo.
“Thách thức 5 năm tới cũng rất lớn, bây giờ vấn đề là làm sao bộ máy sớm bắt tay vào công việc, chọn vấn đề then chốt nhất, quyết liệt nhất để triển khai. Nếu không có bộ máy hiệu quả thì khó làm”, ông Vinh nói.
Bộ trưởng cũng cập nhật thông tin thời sự mà chiều nay ông sẽ nghe báo cáo cụ thể hơn, đó là GDP quý 1 năm nay sẽ sụt giảm, do ảnh hưởng hạn hán và ngập mặn.